Dạy học theo tiếp cận năng lực, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh là một nhiệm vụ vừa bức thiết lại vừa trọng tâm xuyên suốt chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Để thực hiện được mục tiêu đó, đổi mới phương pháp dạy học trên tất cả các môn học là nhiệm vụ cần thực hiện đầu tiên. Đặc biệt, Tiếng Việt là môn học vô cùng quan trọng bởi nó giúp học sinh phát triển ngôn ngữ, bồi dưỡng tâm tư, tình cảm, nhân cách, dạy cho các em biết cảm nhận cái hay, cái đẹp, cách đối nhân xử thế và sự hướng thiện với cuộc sống.
Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, giáo viên có thể áp dụng rất nhiều phương pháp dạy học tích cực cho môn Tiếng Việt như dạy học phát hiện vấn đề, dạy học theo dự án, dạy học phân hóa, dạy học bằng thí nghiệm,… Song có lẽ, sử dụng sơ đồ tư duy là một phương pháp vô cùng tối ưu để nâng cao hiệu quả dạy học với các phân môn trong môn Tiếng Việt.
Sơ đồ tư duy là một công cụ tổ chức tư duy được tác giả Tony Buzan (người Anh) nghiên cứu kỹ lưỡng và chia sẻ khắp trên thế giới. Nó giúp học sinh phát triển nhận thức, khả năng tư duy, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo và đặc biệt là dễ nhìn, dễ viết và vô cùng dễ ghi nhớ. Có thể khẳng định rằng, dạy học Tiếng Việt bằng sơ đồ tư duy là một trong những PPDH hiện đại và đạt hiệu quả cao trong quá trình dạy học hiện nay. Thông thường, chúng ta ghi chép thông tin bằng các ký tự, đường thẳng, con số. Với cách ghi chép đó, chúng ta mới chỉ sử dụng một nửa của bộ não – não trái, mà chưa sử dụng kỹ năng bên não phải, nơi giúp chúng ta xử lý các thông tin về nhịp điệu, màu sắc, không gian… và cách ghi chép thông thường khó nhìn được tổng thể của cả vấn đề.
Sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học Tiếng Việt - một môn học rất nhiều chữ, có thể nói là khó không chỉ với học sinh mà cả với người lớn, học sinh sẽ không phải tiếp nhận thông tin một cách thụ động mà trái lại, các em phải động não và ghi nhớ một cách sáng tạo, logic những kiến thức đã học. Kiến thức cần ghi nhớ của phân môn Luyện từ và câu, Tập làm văn và cả nội dung, ý nghĩa các câu chuyện, bài thơ, bài văn trong phân môn Tập đọc sẽ được hệ thống một cách khoa học. Các nhánh với sự kết hợp hài hòa của chữ viết, hình ảnh, đường nét, màu sắc sẽ kích thích học sinh tìm tòi, đào sâu, mở rộng thêm ý tưởng của chủ chính một cách chi tiết, sáng tạo và thăng hoa.
Bản thân tôi, ngoài sự tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh thì còn có một tình yêu sâu sắc với Tiếng Việt. Bởi vậy, mọi giờ dạy Tiếng Việt, tôi luôn vận dụng kết hợp đa dạng các phương pháp dạy tích cực để học sinh hứng thú nhất và giờ học đạt hiệu quả nhất. Và sơ đồ tư duy được tôi sử dụng thường xuyên trong mọi hoạt động từ khởi động đến khám phá và vận dụng. Có thể dùng sơ đồ tư duy để kiểm tra bài cũ, hệ thống những điều cần ghi nhớ ở bài mới và củng cố kiến thức cuối tiết học. Tôi cũng có thể dễ dàng kiểm tra mức độ nắm kiến thức của học sinh bằng cách tổ chức cho các em thi vẽ sơ đồ tư duy theo yêu cầu ngay trên lớp, trình chiếu sản phẩm và cùng lớp bổ sung, góp ý, bình chọn sơ đồ tư duy chất lượng nhất. Qua đó có thể đánh giá được tương đối chính xác việc tiếp thu bài của học sinh để điều chỉnh nội dung, phương pháp, hình thức và kĩ thuật dạy học cho phù hợp nhất.
Một số sơ đồ tư duy đã sử dụng trong các tiết học
- Dùng SĐTD để hệ thống nội dung, ý nghĩa phân các bài tập đọc:
- Sử dụng SĐTD để hệ thống kiến thức cần ghi nhớ về dạng bài văn kể chuyện trong phân môn Tập làm văn:
- Sử dụng SĐTD để hệ thống kiến thức cần ghi nhớ về danh từ trong phân môn Luyện từ và câu: Một số sản phẩm sáng tạo của học sinh