Từ xưa đến nay, nghề nhà giáo luôn được xã hội trân trọng, kính yêu bởi vì từ những bàn tay chăm chút, tình cảm yêu thương, những bài học ý nghĩa của thầy, cô giáo đã góp phần xây dựng nhân cách, trí tuệ của mỗi con người. “Không thầy đố mày làm nên”, câu tục ngữ đó luôn đúng trong mọi hoàn cảnh, mọi thời đại để rồi lớp lớp học trò, từ những em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường đến những người đã trưởng thành, thành đạt đều nhớ tới công ơn của thầy giáo, cô giáo đã tận tụy dạy dỗ mình. Người thầy giáo, cô giáo luôn là những hình mẫu để các em học sinh học tập, phấn đấu; chúng học thầy cô từ lời ăn, tiếng nói, từ cách đối nhân xử thế đến kiến thức sâu rộng. Ở người thầy, cô giáo toát lên phong thái nhẹ nhàng, đĩnh đạc, khiến người khác phải kính nể, thán phục.
Ai cũng nghĩ rằng làm thầy giáo, cô giáo là nghề vất vả, đồng lương ít ỏi và không có gì thú vị cả, nhưng đối với cô giáo Nguyễn Thị Hằng, trường Tiểu học Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội thì mỗi ngày tới trường là một ngày vui, mỗi ngày được đứng trên bục giảng là một ngày tràn đầy ý nghĩa, hy vọng và tâm huyết.
Ngay từ khi bước vào nghề Sư phạm, cô đã coi đó là cái nghiệp mà mình phải theo và gắn bó suốt đời. Xuất phát bởi một mục đích ấy nên cô coi công việc hằng ngày của mình như một phần lẽ sống. Cô muốn công việc mình đã và đang làm sẽ thực sự có ích cho cộng đồng, cho chính bản thân mình. Do vậy nên cô thường trăn trở tìm mọi cách để công việc của mình thu được kết quả. Kết quả ấy nằm ngay trong chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh qua mỗi năm cô dạy. Cô nghĩ rằng: Nếu mình yêu thích công việc của mình thì mình sẽ làm được tốt. Trẻ cũng vậy, các em đạt được hạnh kiểm tốt và văn hoá khá giỏi chính các em cũng phải yêu thích công việc của mình. Vậy làm thế nào để các em yêu thích công việc học tập của mình? Để đạt được điều đó trước tiên các em phải thích học. Từ kinh nghiệm thực tế cô nhận thấy học sinh thích đi học là những học sinh tìm được niềm vui khi tới lớp, những cháu đó được thầy yêu, bạn mến và việc học tập đối với các cháu không mấy vất vả. Học sinh đến trường phải có niềm vui, có vui mới học được tốt.Với suy nghĩ;“làm thế nào để mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui”. Cô trăn trở bao lâu nay và thế là như một mầm cây ủ sẵn trong đất nay gặp mưa nên được dịp phát triển.
Cô Hằng cùng các em HS lớp 1A1 năm học 2020 - 2021
dự thi Đồng diễn múa hát tập thể chào mừng 20/11/2020
Vào năm học mới, cô định hướng trước cho mình phải gây được tâm thế cho học sinh trong những ngày đầu năm học để rồi dẫn dắt các em bước vào năm học đầy tự tin và phấn khởi. Để có được kết quả tưởng chừng như đơn giản thế thôi nhưng cách thức để đi đến cái đích đó thật không đơn giản chút nào. Có được niềm vui cho trẻ không phải tạo ra được từ một giờ học, một ngày học hay một tuần học mà phải lôi cuốn, gây hứng thú cho học sinh trên một bình diện rộng ở mọi nơi, mọi lúc, qua giao tiếp, qua cách cư xử, bảo ban của giáo viên cho học sinh. Do vậy đòi hỏi người giáo viên phải thật nhẫn nại, có tình thương thực với học trò. Chỉ có tình thương yêu thực sự và lòng cảm thông của cô mới đem lại niềm vui cho học sinh khi đi học. Học sinh lớp 1 là giai đoạn mở đầu cho một con người đến với văn hoá. Cũng từ giai đoạn này nhân cách của học sinh được hình thành và dần dần phát triển. Học sinh lớp 1 còn rất non nớt, các em sống trong những gia đình có hoàn cảnh khác nhau, nếp sống khác nhau nên nhận thức và nếp sống cũng khác nhau. Đặc biệt tư duy trẻ lớp 1 cũng rất cụ thể cảm tính. Các em rất ham hiểu biết, thích bắt chước, hiếu động chưa biết tập chung lâu sự chú ý vào một cái gì đó. Năm đầu tiên của đời học sinh, trẻ rất bỡ ngỡ với việc chuyển hoạt động chủ đạo từ chơi sang hoạt học tập, đặc biệt rất dễ xúc động với các yêu cầu và quy tắc của trường học. Giáo dục đạo đức phải làm sớm, bởi lẽ: Tuổi thơ trong trắng dễ hấp thụ cái mới, để được cảm hoá, thuyết phục. Những điều răn dạy ban đầu đến với trẻ bao giờ cũng in dấu ấn sâu đậm nhất. Trong tâm trí trẻ nếu không có giáo dục sớm, trẻ cũng tiếp thu một cái gì đó ngoài dự kiến của chúng ta. Những cái đó nếu là điều sai trái, việc giáo dục lại khó khăn gấp bội. Kinh nghiệm của ông cha xưa đã đúc kết:
" Bé không vin, cả gãy cành!"
Cô Hằng trong buổi đón HS ngày đầu tiên đến trường
Bởi vậy để dạy dỗ các em học sinh, đặc biệt là những em học sinh lớp 1 thì vô cùng khó khăn nên không có phương pháp giáo dục khoa học và tình cảm yêu thương xuất phát từ trái tim. Cô giáo Nguyễn Thị Hằng hiểu rằng, ngoài việc dạy các em biết nghe lời, yêu mến, gần gũi thì cần phải hiểu tâm lý của mỗi em học sinh để đưa ra những phương pháp giảng dạy phù hợp với từng độ tuổi, vì những lý do đó, cô không ngừng học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Với một người phụ nữ, vừa chăm chút công việc gia đình lại hết sức tận tâm với công việc là đã khó nhưng đối với cô cũng như vậy và thêm khoảng cách từ nhà tới cơ quan là rất lớn thì việc chu toàn gia đình, công việc lại càng khó khăn hơn. Nhưng với sự cố gắng không mệt mỏi, tâm huyết với nghề nhà giáo, tình yêu thương con trẻ và một “hậu phương” vững chắc, cô giáo Cô Nguyễn Thị Hằng đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chuyên môn được giao, chăm lo chu đáo cho gia đình
Với đức tính giản dị, ham học hỏi,cô giáo Nguyễn Thị Hằng không tự bằng lòng với những gì mình đã đạt được, cô luôn cố gắng tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức người giáo viên nhân dân, không ngừng học tập, trao đổi kiến thức với đồng nghiệp, để có những bài giảng hay, phương pháp giảng dạy khoa học truyền dạy cho học trò những kiến thức văn hoá trên bục giảng, cũng như vốn kiến thức sống sau này. Những giờ học thú vị trên lớp hay những giờ ngoại khoá, cô giáo Nguyễn Thị Hằng luôn tạo tình cảm thân thiện, gần gũi với học trò, coi học trò là những người con của mình. Đây là những phẩm chất tốt tạo niềm tin yêu, kính trọng đối với các em học sinh. Học sinh hiểu bài, luôn chăm chỉ học tập là một trong những nguồn động viên lớn khích lệ cô phải phấn đấu hơn nữa để đáp lại niềm tin yêu kính trọng của học trò.
Là giáo viên chủ nhiệm lớp 1, ngoài việc học và đọc thêm những kiến thức trong sách vở, trao đổi cùng đồng nghiệp cô Nguyễn Thị Hằng còn thường xuyên tìm hiểu học hỏi thêm những vốn kiến thức trong thực tiễn cuộc sống để có những bài giảng hay và hấp dẫn. Với chuyên môn vững vàng, lại có phương pháp giảng dạy khoa học
Ngoài ra, cô Nguyễn Thị Hằng còn giữ chức vụ làm tổ trưởng tổ chuyên môn của khối 1. Trên cương vị của mình cô luôn chia sẻ và gắn kết các thành viên trong tổ. Cô thường xuyên chia sẻ những phương pháp giảng dạy và kinh nghiệm của mình để giúp các thành viên trong tổ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cô còn là một khối trưởng rất hòa đồng và tốt bụng. Ngoài công việc giảng dạy trên lớp thì cô cũng luôn quan tâm đến đời sống của các đồng nghiệp, sẵn sàng giúp đỡ khi đồng nghiệp gặp khó khăn. Nhờ có một tổ trưởng tuyệt vời như cô Nguyễn Thị Hằng nên khối 1 trường Tiểu học Ngọc Thụy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của nhà trường đề ra.
Không chỉ giỏi việc trường, tích cực tham gia công tác xã hội, cô giáo Nguyễn Thị Hằng còn là một nàng dâu hiếu thảo, người vợ hiền, người mẹ mẫu mực trong gia đình.
Cô giáo Hoàng Thị Nguyễn Thị Hằng với gần 30 năm công tác trong nghề đã đóng góp cho sự nghiệp trồng người không biết bao nhiêu thế hệ học sinh ưu tú.
Với bản thân cô, cô giáo Nguyễn Thị Hằng luôn là tấm gương sáng cho thế hệ giáo viên trẻ học hỏi.