Từ những ngày đầu khi chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu phát động phong trào “Nghìn việc tốt” cho đến nay, đã có không ít tấm gương “ Người tốt - Việc tốt” trên khắp cả nước. Tất cả đều muốn chung tay góp sức vào để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Nhiều người trong số họ là những thầy cô giáo, những người mang trên vai sứ mệnh “trồng người” mà toàn xã hội tin tưởng trao cho, những người thầy người cô không quản khó nhọc, hết mình vì đàn em thân yêu. Và ngày hôm nay tôi muốn nói đến một người như thế, một tấm gương “Người tốt - Việc tốt” như thế, đó chính là người đồng nghiệp của tôi, cô giáo Nguyễn Thị Hằng– Tổ trưởng khối Một trường Tiểu học Ngọc Thụy - Long Biên - Hà Nội.
“Bao năm lên phố, xa làng
Nhớ con bướm trắng hoa vàng lối quê
Nhớ bài tập đọc a ê
Thương cô giáo cũ mơ về tuổi thơ
Xiêu nghiêng nét chữ dại khờ
Tay cô cầm ấm đến giờ lòng em.
Vở ngày thơ ấu lần xem
Tình cô như mẹ biết đem sánh gì.
Tờ giấy nguệch ngoạc bút chì
Thấm màu mực đỏ điểm ghi bên lề!”
Tôi vẫn hay nói với cô giáo Hằng, người cô, người đồng nghiệp của tôi rằng: Mỗi khi đón học sinh vào lớp Một, phụ huynh cùng các em nhỏ chỉ cần nghe cô Hằng nói, nhìn cô Hằng cười là đã thấy yêu lớp yêu trường Ngọc Thụy lắm rồi. Cô chỉ cười và cho rằng đồng nghiệp đùa vui nhưng tôi biết, đó là sự thật – Tình yêu, tấm lòng của cô hiển hiện ở mỗi ánh mắt nụ cười dành cho học trò!
Cô giáo Hằng cùng các bạn nhỏ 1A1 – năm học 2022-2023
Cô Hằng sinh ra và lớn lên ở quê hương nhãn lồng – Hưng Yên, vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng màu mỡ, êm đềm, nơi lắng đọng hồn quê thảo thơm, dung dị. Phải chăng chính mảnh đất và con người nơi đây đã vun đắp nên Cô – một người giáo viên vui tươi, yêu đời, yêu nghề đến vậy. Cô kể, thời ấy gia đình đông con còn nhiều khó khăn nhưng với truyền thống hiếu học, bố mẹ cô vẫn quyết tâm cho các con theo đuổi cái chữ, cô chọn theo học ngành sư phạm Tiểu học, bởi bố cô luôn bảo: Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Sau khi vượt qua rất nhiều khó khăn để có thể theo đuổi ước mơ chinh phục kiến thức, tốt nghiệp ra trường, cô đem bản lĩnh, sức trẻ trở về giảng dạy trên chính mảnh đất quê hương mình. Rồi cô lập gia đình, năm 1994, cơ duyên đưa cô đến với mái trường Tiểu học Ngọc Thụy và gắn bó đến nay đã hơn 20 năm.
Trong công tác, cô luôn bám sát vào kế hoạch và nhiệm vụ năm học của nhà trường và của ngành. Đồng thời luôn ứng dụng nhạy bén thành quả từ những năm học trước để xây dựng cho bản thân một kế hoạch hoạt động cụ thể. Cô thường xuyên tham mưu cùng Ban Giám hiệu nhà trường, đoàn thể cũng như đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp học để làm nên sự thành công của phong trào giáo dục của nhà trường. Cô thường xuyên nghiên cứu và áp dụng dạy lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, để giáo dục đạo đức, giúp các em học sinh hình thành được nhiều nhân cách tốt cho cuộc sống hiện tại và cuộc sống sau này. Đặc biệt, là giáo viên đón lớp Một nhiều năm, cô luôn quan tâm và thấu hiểu đối với những khó khăn, bỡ ngỡ của phụ huynh cùng các em học sinh trong những bước đi đầu tiên ở mái trường tiểu học. Cô dành thời gian trò chuyện, giải đáp, hướng dẫn phụ huynh trong thời gian trước khi bắt đầu năm học mới. Cô có rất nhiều trò chơi, câu chuyện hấp dẫn thu hút các bạn nhỏ còn ngây ngô nhanh chóng hòa nhập vào môi trường học tập cấp tiểu học.
Cô Hằng giao lưu, chia sẻ cùng phụ huynh, học sinh trong ngày đầu nhận lớp
Bên cạnh công tác giảng dạy, cô Hằng còn luôn tích cực đi đầu để tham gia vào các phong trào thi đua và các cuộc vận động của ngành như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; “Hai không”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Cô luôn là tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo lời Bác về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và sửa đổi lề lối làm việc, không chạy theo bệnh thành tích, học thật, đánh giá học sinh công bằng, khách quan. Phát động phong trào học tập, nâng cao trình độ, khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau trong tập thể giáo viên, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Chính sự nhiệt tình, sẵn sàng lắng nghe và sẻ chia kinh nghiệm, cô được đồng nghiệp yêu thương, học sinh quý mến. Là một giáo viên có năng lực, là một người Tổ trưởng mẫu mực, cô Hằng luôn nhiệt tình trong công tác bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp, nhất là những đồng chí trẻ, mới vào nghề hay mới chuyển khối. Hàng ngày có bài nào khó, tiết dạy nào còn vướng mắc cần hướng giải quyết cô không ngần ngại chỉ bảo tận tình. Cô chia sẻ rằng: “Với học sinh lớp một, các em còn non nớt, chính những nụ cười, cái nắm tay của thầy cô là cách giáo dục hiệu quả nhất, hơn cả những tài liệu xuất sắc.”. Tôi cũng như những đồng nghiệp của mình luôn cảm ơn những chia sẻ thân tình của cô và lấy cô làm tấm gương sáng cho mình.
Hơn 20 năm làm công tác giảng dạy tại trường, cô thường xuyên quan tâm đến tình hình từng học sinh, hết lòng vì học sinh thân yêu. Bản thân cô không ngừng nghiên cứu tài liệu, dự giờ thăm lớp, học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn mà ngành giáo dục tổ chức. Dù tuổi không còn trẻ, năm tháng theo nghề đã bào mòn sức khỏe của cô nhưng cô vẫn luôn tích cực học hỏi để có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Chính việc tiếp cận với những phương pháp dạy học mới và vận dụng linh hoạt các phương pháp này cô đã tạo được hứng thú cho các em học sinh. Từ đó, các em cũng yêu thích môn học hơn và mạnh dạn tham gia các hoạt động. Nhà xa trường hơn chục cây số nhưng cô Hằng luôn đến lớp từ rất sớm và ở lại đến muộn mới về. Cô bảo: Không tranh thủ đầu giờ cuối buổi thì không thể nắm bắt, hỗ trợ hết các phụ huynh cùng các em học sinh còn yếu kém được, bởi có hiểu rõ được hoàn cảnh, năng lực của từng học sinh thì người giáo viên chúng ta mới có thể đưa ra các biện pháp cụ thể, hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng giảng dạy của mình. Càng hiểu, tôi càng thêm khâm phục cô.
Thời gian như thoi đưa, đã là năm học cuối của cô giáo Nguyễn Thị Hằng trước khi về hưu. Tôi và biết bao đồng nghiệp, bao thế hệ học trò, phụ huynh sẽ không thể nào quên nụ cười tỏa nắng cùng tấm lòng yêu người yêu nghề của Cô.
“Gió sương nhuộm nửa mái đầu
Chân tơ kẽ tóc bạc màu thời gian
Lược thưa tóc rụng theo hàng
Nửa đen nửa trắng đan xen nắng vào
Bảng đen trêu cợt má đào
Để cho bụi phấn bay vào tóc em…”