Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông - xuân. Phương thức lây truyền bệnh bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Bệnh sởi có tính lưu truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được > 95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng.
Bệnh có biểu hiện như: sốt, viêm long đường hô hấp trên và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tiêu chảy, viêm phổi, viêm giác mạc thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, việc điều trị chủ yếu để phòng bội nhiễm và điều trị các biến chứng nặng do sởi gây ra. Bệnh nhân cần được cách ly, hạ sốt khi sốt cao, bồi phụ nước và điện giải qua đường uống, chỉ truyền dịch khi người bệnh nôn nhiều.
Các biện pháp phòng bệnh
1. Tiêm vắc xin sởi
Tiêm vacxin Sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Thực hiện tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo qui định của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (Mũi 1 tiêm khi trẻ 9-12 tháng tuổi, mũi 2 tiêm khi trẻ 18 đến 23 tháng tuổi). Không có vắc xin nào có hiệu quả bảo vệ 100%. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm them mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%.
Sau khi mắc sởi xong hoặc sau sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.
Các bà mẹ phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cán bộ y tế khi đưa trẻ đi tiêm chủng.
2. Cách ly người bệnh và vệ sinh cá nhân
Người bệnh sởi phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp bằng cách:
+ Sử dụng khẩu trang phẫu thuật cho người bệnh, người chăm sóc, tiếp xúc gần và nhân viên y tế.
+ Hạn chế việc tiếp xúc gần không cần thiết của nhân viên y tế và người thăm người bệnh đối với người bệnh.
+ Thời gian cách ly từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 04 ngày sau khi bắt đầu phát ban.
+ Tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng.
3. Phòng lây nhiễm trong bệnh viện, cơ sở y tế
+ Đối với những trẻ mắc sởi ở các thể nhẹ hoặc các bệnh thông thường khác, các gia đình nên hạn chế đưa trẻ lên bệnh viện tuyến trên nơi đang điều trị các ca sởi nặng nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
+ Phát hiện sớm và thực hiện cách ly đối với các đối tượng nghi sởi hoặc mắc sởi.
+ Không tụ tập đông người tại khu điều trị.
+ Người vào thăm bệnh nhân phải thực hiện tốt vệ sinh thân thể và rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi thăm bệnh nhân.
+ Khu khám bệnh và điều trị phải riêng biệt, luôn sạch sẽ, thông khí tốt.