Từ năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 1 tại các nhà trường tiểu học sẽ sử dụng bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngày 11/03/2020 Ban giám hiệu trường Tiểu học Ngọc Thụy đã triển khai tới các tổ chuyên môn Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ban hành ngày 30/01/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông có hiệu lực từ ngày 15/3/2020, văn bản hướng dẫn nghiên cứu và chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tại buổi làm việc, đồng chí Hiêu trưởng đã nhấn mạnh:
Ba nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa( Điều 2):
1. Lựa chọn sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
2. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn 01 (một) đầu sách giáo khoa.
3. Bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Hai tiêu chí để lựa chọn sách( Điều 3):
1.Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương.
2.Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Thông tư cũng quy định rõ nguyên tắc lựa chọn sách công khai, minh bạch, dân chủ. Quy định số lượng, thành phần, nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của nhà trường.
Quy trình lựa chọn sách giáo khoa (Điều 8):
1. Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách giáo khoa cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn báo cáo Hội đồng danh mục sách giáo khoa được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Danh mục sách giáo khoa được lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên trong tổ chuyên môn.
2. Hội đồng hợp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn theo các nguyên tắc quy định tại Điều 2 của Thông tư và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa. Sách giáo khoa được lựa chọn phải được trên 1/2 (một phần hai) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp sách giáo khoa không được trên 1/2 (một phần hai) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn, Hội đồng thảo luận, phân tích các sách giáo khoa với các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa và bỏ phiếu lựa chọn lại. Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không được trên 1/2 (một phần hai) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn thì Hội đồng quyết định lựa chọn sách giáo khoa có số phiếu đồng ý cao nhất trong danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn báo cáo theo quy định tại khoản 1 Điều này. Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên tham dự.
3. Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa đã được Hội đồng lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
4. Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo đó, giáo viên nhận rõ trách nhiệm và sự dân chủ trong lựa chọn sách giáo khoa để giảng dạy tại nhà trường, người giáo viên được giao quyền lựa chọn, chịu trách nhiệm và phát huy sáng tạo trong giảng dạy.
Đồng chí Hiệu trưởng nhà trường cũng triển khai kế hoạch nghiên cứu 05 bộ sách lớp 1 cho các tổ chuyên môn nghiên cứu: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực.
Theo đó các tổ chuyên môn thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao.
Một vài hình ảnh giáo viên trường tiểu học Ngọc Thụy trong buổi họp triển khai chọn sách giáo khoa:
Hình ảnh giáo viên khối 5 họp trực tuyến thảo luận lựa chọn SGK