Đổi mới giáo dục đang được toàn xã hội quan tâm. Đổi mới phương pháp dạy học trong đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học cập nhật và đổi mới tri thức, kĩ năng, phát triển năng lực. Năm học 2023-2024 là năm học thứ hai thực hiện chương trình sách giáo khoa mới ở khối lớp 3. Ban giám hiệu trường Tiểu học Ngọc Thụy và tổ chuyên môn khối 3 rất quan tâm tới việc đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng sáng tạo các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học mới, sáng tạo để có những giờ dạy hiệu quả nhất cho học sinh.
Vào hồi 14h00 ngày 11 tháng 10 năm 2023, tổ 3 trường Tiểu học Ngọc Thụy đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn với nội dung: “Nghiên cứu, thiết kế bài học Stem” và chuyên đề: “Học thông qua chơi”. Tổ 3 là tổ có nhiều giáo viên trẻ, năng động, sáng tạo, giỏi công nghệ thông tin, có tinh thần học hỏi. Vì vậy trong mỗi buổi sinh hoạt, các giáo viên đều chủ động trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đóng góp ý kiến, nêu thắc mắc để cả tổ cùng giải đáp.
Hình ảnh Ban giám hiệu nhà trường dự sinh hoạt chuyên môn khối 3
Trong buổi sinh hoạt, có sự chỉ đạo chuyên môn của đ.c Nguyễn Thị Phương - Hiệu trưởng nhà trường, và đ.c Phạm Thị Khánh Ninh phó hiệu trưởng nhà trường. Ban giám hiệu đã hướng dẫn, chỉ đạo tổ chuyên môn vận dụng nhiều phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phong phú, sáng tạo. Dạy học thông qua tổ chức liên tiếp các hoạt động học tập, giúp học sinh tự khám phá những điều chưa biết chứ không thụ động tiếp thu những tri thức được sắp đặt sẵn. Giáo viên là người tổ chức và chỉ đạo học sinh tiến hành các hoạt động học tập phát hiện kiến thức mới, vận dụng sáng tạo kiến thức đã biết vào các tình huống học tập hoặc tình huống thực tiễn...
Ban giám hiệu nhà trường nhấn mạnh, giáo viên cần phải chú trọng rèn luyện cho học sinh biết khai thác sách giáo khoa và các tài liệu học tập, biết cách tự tìm lại những kiến thức đã có, suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới... Định hướng cho học sinh cách tư duy như phân tích, tổng hợp, đặc biệt hoá, khái quát hoá, tương tự, quy lạ về quen… để dần hình thành và phát triển tiềm năng sáng tạo.
Cả tổ đã cùng xây dựng tiết tiết dạy bài học Stem: Làm đồng hồ số La Mã. Từng cá nhân cùng đóng góp ý tưởng làm đồng hồ bằng các chất liệu tái chế để tiết học thêm sinh động. Với tinh thần lấy học sinh làm trung tâm, các cô giáo đã rất tâm huyết xây dựng tiết học để sao cho học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm và khám phá.
Bên cạnh việc say sưa nghiên cứu bài học, giáo viên trong tổ cũng tập trung học tập chuyên đề “Học thông qua chơi” qua hình thức trực tuyến. Sau khi học tập xong, các giáo viên đã vận dụng nội dung của chuyên đề vào thực tế dạy học. Giáo viên trong tổ nhanh chóng chọn lựa bài dạy, lên tiết hội giảng, thi giáo viên giỏi có ứng dụng “học thông qua chơi” và ứng dụng một phần Stem trong tiết học. Thêm vào đó, giáo viên đã linh hoạt, khéo léo lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng an ninh để tiết học không cứng nhắc, nặng về lí thuyết và vẫn đạt được mục tiêu giáo dục.
Trong buổi chiều làm việc nhanh chóng và có chất lượng, buổi sinh hoạt chuyên môn của giáo viên tổ 3, trường Tiểu học Ngọc Thụy đã đi đến những thống nhất chung về phương pháp dạy học để có những tiết dạy sáng tạo và hiệu quả, lấy học sinh làm trung tâm, học sinh được học thông qua chơi, trải nghiệm, khám phá và chiếm lĩnh tri thức. Tổ chuyên môn khối 3 đã xây dựng bài học Stem theo quy trình linh hoạt nhằm gắn kết bài học với các vấn đề của thực tiễn xã hội như sau:
* Bước 1: Lựa chọn nội dung dạy học
Căn cứ vào nội dung kiến thức trong chương trình môn học và các hiện tượng, quá trình gắn với các kiến thức đó trong tự nhiên, xã hội; quy trình hoặc thiết bị công nghệ ứng dụng kiến thức đó trong thực tiễn để lựa chọn nội dung của bài học.
* Bước 2: Xác định vấn đề cần giải quyết
Xác định vấn đề cần giải quyết để giao cho học sinh thực hiện sao cho khi giải quyết vấn đề đó, học sinh phải học được những kiến thức, kĩ năng cần dạy trong chương trình môn học đã được lựa chọn hoặc vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã biết để xây dựng bài học.
* Bước 3: Xây dựng tiêu chí của sản phẩm/giải pháp giải quyết vấn đề
Xác định rõ tiêu chí của giải pháp/sản phẩm làm căn cứ quan trọng để đề xuất giả thuyết khoa học/giải pháp giải quyết vấn đề/thiết kế mẫu sản phẩm.
* Bước 4: Thiết kế tiến trình tổ chức hoạt động dạy học. Tiến trình tổ chức hoạt động dạy học được thiết kế theo các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực với các hoạt động học bao hàm các bước của quy trình kĩ thuật.
- Mỗi hoạt động học được thiết kế rõ ràng về mục đích, nội dung, dự kiến sản phẩm học tập mà học sinh phải hoàn thành và cách thức tổ chức hoạt động học tập. Các hoạt động học tập đó có thể được tổ chức cả ở trong và ngoài lớp học (ở trường, ở nhà và cộng đồng).
Nội dung bài học STEM được gắn kết với các vấn đề thực tiễn đời sống xã hội, khoa học, công nghệ và học sinh được yêu cầu tìm các giải pháp để giải quyết vấn đề, chiếm lĩnh kiến thức, đáp ứng yêu cầu cần đạt của bài học. Nội dung kiến thức của các bài học thuộc một môn học hoặc một số môn học trong chương trình; bảo đảm giải được quyết vấn đề đặt ra một cách tương đối trọn vẹn.
Hy vọng trong tương lai, giáo viên tổ 3 sẽ tâm huyết, sáng tạo hơn nữa, phát huy sức trẻ, sự nhiệt tình để ngày càng có nhiều tiết học bổ ích, hiệu quả, bồi dưỡng, phát triển được năng lực cho học sinh.