“ Hoạt động trải nghiệm (HĐTN) là hoạt động giáo dục, trong đó, dưới sự hướng dẫn của nhà giáo dục, từng cá nhân học sinh được tham gia trực tiếp vào các hoạt động khác nhau của đời sống nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động, qua đó phát triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách và phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân mình.”
Nếu mục tiêu chủ yếu của dạy học trên lớp là phát triển trí tuệ thì mục tiêu chính của HĐTN là phát triển năng lực, phẩm chất. Thông qua việc “học qua trải nghiệm”, HS không chỉ được trải nghiệm, được bày tỏ quan điểm, ý tưởng, được lựa chọn ý tưởng hoạt động mà các con còn được thể hiện, khẳng định bản thân, tự đánh giá kết quả hoạt động của chính mình cũng như kết quả hoạt động của nhóm và của bạn bè. Từ đó, hình thành và phát triển cho hs những giá trị sống và các năng lực cần thiết.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp, để chung tay cùng cả nước chống dịch, các con HS phải chuyển từ học việc trực tiếp sang hình thức học trực tuyến. Đối với một hoạt động giáo dục cần sự tham gia trực tiếp trong các hoạt động thực tiễn như HĐTN thì đây quả là một thử thách khó khăn với không chỉ riêng HS mà còn với cả các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy.
Sau thời gian giảng dạy môn HĐTN theo hình thức trực tuyến, chúng tôi nhận thấy có một số khó khăn như sau:
Khi tổ chức HĐTN qua hình thức trực tuyến, HS dễ bị rơi vào tình trạng thụ động khi tiếp cận đối tượng trải nghiệm. Việc không thể trực tiếp tham gia vào các hoạt động trong thực tiễn với tư cách là chủ thể hoạt động sẽ khiến các con không tích cực chủ động tham gia vào các khâu trong tiến trình hoạt động.
Điều kiện cơ sở vật chất ở mỗi gia đình là không giống nhau, vì vậy không gian cho HS tham gia HĐTN cũng bị hạn chế do điều kiện gia đình không cho phép.
Khi HS tham gia HĐTN bằng hình thức trực tuyến, việc tương tác với thầy cô và các bạn bị hạn chế. Nếu không được tham gia hoạt động nhóm, các em sẽ không thể phát huy được năng lực giao tiếp, hợp tác cũng như năng lực tự học và tự giải quyết vấn đề.
Không chỉ với các con HS mà với các thấy cô cũng gặp khó khăn trong việc đánh giá HS qua dạy học trực tuyến. Vì đặc thù của việc đánh giá trong môn HĐTN thể hiện trong quá trình hoạt động thực tiễn; dựa trên các biểu hiện cụ thể của HS trong quá trình hoạt động chứ không chỉ dựa vào kết quả hoạt động cuối cùng của học sinh. Khi học trực tuyến, thầy cô không thể quan sát trực tiếp hoạt động của các con nên khó có thể đưa ra những đánh giá khách quan, chính xác với từng học sinh.
Chúng tôi xin mạnh dạn đưa ra một số biện pháp để tạm thời khắc phục những khó khăn nêu trên như sau:
GV cần linh hoạt, chủ động đổi mới các phương pháp dạy học sao cho phù hợp với điền kiện thực tế. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động dạy học để giúp HS tăng khả năng tương tác với thầy cô giáo và các bạn trong các hoạt động giáo dục trải nghiệm.
Ứng dụng phần mềm thiết kế bài giảng E-learning hay các ứng dụng tạo trò chơi học tập như Blocket, Quizizz vào các tiết HĐTN để giúp học sinh tăng khả năng tương tác với bài học; chia nhóm thảo luận trong phòng Zoom để rèn kĩ năng hợp tác nhóm.
Để tạo điều kiện cho tất cả HS đều có thể tham gia trải nghiệm, GV lựa chọn các hình thức hoạt động giáo dục trải nghiệm đơn giản, gần gũi, dễ thực hiện như việc các em HS có thể sử dụng chính các nguyện liệu tái chế từ vật dụng trong gia đình để tạo ra các sản phẩm sáng tạo, có ích trong cuộc sống như tạo hình con vật từ lá cây, ống đựng bút bằng chai lọ nhựa,..
Thay vì tham gia cùng các bạn, GV nên hướng dẫn các con HS thảo luận cùng bố mẹ, anh chị em trong nhà hoặc cùng người thân tham gia hoạt động sau giờ học như: cùng bố mẹ tìm lại những khoảnh khắc vui vẻ trong những tấm ảnh chụp gia đình; tham gia trò chơi Xiếc bóng với người thân, chuẩn bị bày cỗ trong đêm Trung thu…
GV khuyến khích, định hướng cho các em HS cách tìm hiểu, khai thác kiến thức, thông tin qua mạng Internet dưới sự trợ giúp của phụ huynh như: tìm hiểu thêm về Tết Trung thu hay một bộ số môn nghệ thuật dân gian hoặc nghề thủ công địa phương.
Chúng tôi phối hợp cùng với PH, nhờ cha mẹ quay chụp lại quá trình con tham gia các hoạt động giáo dục trải nghiệm hay ghi lại những cảm nhận, chia sẻ của các con sau các hoạt động. Qua đó, thầy cô có thể đưa ra các nhận xét, đánh giá phù hợp cũng như kịp thời nhận ra các vấn đề mà HS đang gặp phải để kịp thời giúp các con tháo gỡ khó khăn.
Nhằm kích thích sự sáng tạo của HS, thầy cô thường xuyên đưa ra các gợi ý để giúp các con có thể vận dụng các kĩ năng đã học hoặc ứng dụng các sản phẩm sau hoạt động giáo dục vào cuộc sống hàng ngày như tạo ra các con vật từ lá cây để trang trí hay làm ống đựng bút bằng chai lọ nhựa tái chế trong gia đình.
Một số hình ảnh của hoạt động trải nghiệm