Thực hiện kế hoạch, công văn chỉ đạo của Liên đoàn lao động, PGD&ĐT quận Long Biên nhằm nâng cao chất lượng GD toàn diện trong nhà trường, trường Tiểu học Ngọc Thụy đã phát động và triển khai thực hiện sâu rộng tới toàn trường mô hình “Trường học hạnh phúc” được tập thể CBGV, NV, HS, CMHS hưởng ứng nhiệt tình và đạt hiệu quả cao.
Hạnh phúc là một hành trình chứ không phải là một điểm đến. Hạnh phúc là một trong những quyền cơ bản của con người là giá trị, là mục đích phấn đấu của mỗi quốc gia. Xây dựng trường học hạnh phúc là đích đến cao cả và nhân văn mà tất cả các trường đều hướng đến.
Trường Tiểu học Ngọc Thụy nằm trên địa bàn Phường Ngọc Thụy quận Long Biên, trường thành lập năm 1994, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đến nay trường tiểu học Ngọc Thụy là một ngôi trường sạch đẹp, tiện nghi, hiện đại có khuôn viên xanh, môi trường sư phạm thân thiện luôn nhận được sự tin cậy của các bậc phụ huynh.
Tôi rất tâm đắc với câu nói “Người giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”. Với nhận thức ấy, những năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, các bậc phụ huynh và các em học sinh trường Tiểu học Ngọc Thuỵ chúng tôi đã cùng nhau tổ chức, triển khai các hoạt động, các biện pháp cụ thể để xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc, tăng cường giáo dục kỹ năng bên cạnh xây dựng nền tảng trí thức, tạo dựng môi trường ứng xử lành mạnh, đề cao sự chia sẻ và yêu thương. Chúng tôi đã định hình được các tiêu chí cụ thể, mang tính đặc trưng, phù hợp với thực tế của nhà trường. Đồng thời, luôn đoàn kết, sáng tạo, chung sức hành động để biến những tiêu chí ấy thành hiện thực.
Hình ảnh các em HS trong tiết đọc sách ngoài trời
1. Muốn có trường học hạnh phúc phải có những con người hạnh phúc đó chính là đội ngũ cán bộ, GV, NV, phụ huynh và học sinh.
Học sinh chính là đối tượng trung tâm của sự nghiệp giáo dục và là chủ nhân của “Trường học hạnh phúc”, cần được quan tâm đầu tiên. Với khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, các em không chỉ được tiếp thu kiến thức, mà còn được vui chơi, giải trí, tự do thể hiện tư duy, năng lực cá nhân và kỹ năng sáng tạo theo đúng tâm sinh lý lứa tuổi của mình. HS được chăm sóc, bảo vệ, không có bạo lực học đường. Các em HS và thầy cô có cơ hội đến gần với nhau hơn. HS được thầy cô tôn trọng sự khác biệt, thấu hiểu, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ mọi phương diện, không còn bị áp lực về điểm số, về thành tích học tập.
Hình ảnh GV và HS với Ngày hội 8/3
Chúng tôi không ngại khó, luôn sáng tạo trong tổ chức các hoạt động. Nhà trường tổ chức thành công mô hình đổi mới sáng tạo: “Hoạt động trải nghiệm gắn kết tình thầy trò”; “ Chiếc dây quay cùng chúng em vui chơi”,“hát quốc ca tại các địa chỉ đỏ”, “Ngày hội TEAM của chúng em”, “ sân chơi cuối tuần” “khởi đầu ngày mới với giỏ sách kết nối”, tạo góc thư viện xanh, các hoạt động giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, ngày hội tri ân, cuộc thi vẽ tranh tập thể, hội khoẻ Phù Đổng, sân khấu hoá trong các hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm vượt qua thử thách….Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh, các em HS vẫn được sinh hoạt dưới cờ tại lớp học bằng các hình thức phong phú, đổi mới. Các em có cơ hội phát triển bản thân, kỹ năng mềm một cách toàn diện như: phát triển thể chất, phát triển cảm xúc sáng tạo, kỹ năng tương tác xã hội….giúp các em thêm tự tin năng động, yêu trường yêu lớp, tâm hồn phong phú, quan tâm nhau nhiều hơn.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT
được nhà trường triển khai đa dạng, phong phú
* Đối với cán bộ, GV, NV nhà trường chúng tôi đã tạo sự thay đổi tư duy về giáo dục. Bao gồm thay đổi phương pháp giảng dạy, chuyển từ định hướng nội dung sang định hướng năng lực và thay đổi hành vi, thái độ với nhau, với phụ huynh, với học sinh theo hướng thân thiện, gần gũi, yêu thương nhưng vẫn trong khuôn khổ kỷ cương trường lớp.
Ban giám hiệu nhà trường luôn động viên, dành thời gian, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các khóa học nâng cao trình độ, tăng cường bồi dưỡng khả năng ứng xử sư phạm, nuôi dưỡng đam mê nhiệt huyết nghề nghiệp. Triển khai có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động, thi đua của ngành tạo nên bầu không khí làm việc tích cực, năng động cho tất cả giáo viên. Cử chỉ, thái độ của giáo viên với học sinh thân thiện, cởi mở, thầy cô luôn nở nụ cười trên môi và áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực…
Nhà trường cũng tổ chức hội thảo chuyên đề về trường học hạnh phúc, các khóa tập huấn công nghệ thông tin, phương pháp dạy học mới, thu hút đông đảo các thầy cô tham gia. Những ý tưởng mới, những phương pháp giảng dạy hiệu quả được các thầy cô giáo đưa vào từng bài dạy khiến mỗi bài dạy học sinh được trải nghiệm thú vị, lôi cuốn, các em tự giác, tích cực tham gia vào các hoạt động học tập.
Dường như mọi tâm huyết, sức trẻ của giáo viên đều dành hết cho học sinh. Trường học đã trở thành nơi gắn kết chúng tôi với học sinh như ngôi nhà thứ hai của mình với quan niệm “Trường như nhà, thầy cô như mẹ cha, bạn bè như anh em ruột thịt”. Thầy cô giáo yêu thương học sinh như con đẻ của chính bản thân mình. Khi học sinh có khiếm khuyết nhỏ về khả năng vận động các thầy cô giáo đã bế ẵm học sinh vào lớp và các sinh hoạt cá nhân hàng ngày, tạo điều kiện để học sinh được hoà đồng vui chơi với các bạn, thường xuyên quan tâm chăm sóc học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi…
Các thầy cô luôn chăm chút, vun trồng cho những ước mơ, hoài bão, khát vọng của học sinh bằng các sáng tạo riêng trong công tác chủ nhiệm. Cô thì tạo lập sổ tích cóp yêu thương, cô lại hình thành “Cây điều ước” để học sinh được viết những ước mơ, hoài bão của mình. Cô lại xây dựng những lớp học xanh. Rất nhiều thầy cô giáo muốn đến trường để say sưa với những bài giảng, say sưa cống hiến như những cánh ong cần mẫn góp mật ngọt dâng cho đời.
Các em HS vui vẻ với các tiết học khám phá sân trường
Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng văn hóa nhà trường với phương châm “Nghiêm túc trong công việc, tôn trọng lẫn nhau, vì học sinh hành động”. Đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau cùng tiến bộ. Ban giám hiệu nhà trường đổi mới trong công tác quản lý giao cho giáo viên những nhiệm vụ phù hợp với năng lực sở trường, công nhận vai trò và thế mạnh riêng của mỗi thầy cô, không tạo áp lực cho giáo viên. Tôn trọng và tin tưởng vào từng cá nhân để họ có cơ hội thể hiện bản thân, khẳng định giá trị chính mình.
* Đối với các bậc phụ huynh và các lực lượng liên quan. Nhà trường đã phối hợp và hợp tác hiệu quả với CMHS, cộng đồng địa phương và các lực lượng liên quan trong công tác giáo dục học sinh, tạo lập được mối quan hệ đồng thuận giữa nhà trường với phụ huynh học sinh bằng cách tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ được tham gia vào các hoạt động giáo dục của nhà trường, tham gia trải nghiệm cùng con em mình trong các hoạt động ngoại khóa, được nhà trường thông báo kịp thời về các hoạt động của con em mình thông qua tin nhắn điện tử hoặc điện thoại từ đó nhận được sự phối hợp kịp thời trong mọi chủ trương và kế hoạch.
Sự phối hợp nhịp nhàng giữa gia đình và nhà trường, đã tạo cho các con học sinh một môi trường giáo dục lành mạnh, toàn diện đồng bộ, từng bước khẳng định hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài. Ở đó mỗi thầy, cô giáo mỗi học sinh và phụ huynh học sinh đều cảm thấy được an toàn được yêu thương được hiểu được tôn trọng và có giá trị.
2/ Tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu đó là mục tiêu mà trường tôi hướng tới.
Để đạt được yêu cầu này, BGH nhà trường đã làm tốt công tác đối thoại với nhiều hình thức khác nhau: đối thoại với đại diện học sinh, đối thoại với học sinh từng lớp, đối thoại với học sinh toàn trường, lấy ý kiến của phụ huynh học sinh sau từng học kỳ, năm học để nắm bắt kịp những tâm tư tình cảm và nguyện vọng của phụ huynh học sinh từ đó có những điều chỉnh phù hợp để xây dựng môi trường học tập ngày càng hoàn thiện hơn.
Công tác tư vấn học đường đặc biệt được coi trọng. Các con học sinh, PHHS được tư vấn tâm lý, giải quyết vướng mắc một cách kịp thời. Đặc biệt là hoạt động của phòng tham vấn học đường đi vào chiều sâu. Giáo viên làm công tác tư vấn không chỉ nhiệt tình, tâm huyết, yêu thương học trò mà còn có hiểu biết nhiều lĩnh vực kiến thức để có thể giúp học sinh tháo gỡ những vướng mắc, định hướng thái độ, hành vi cho các em trong việc xử lý những tình huống trong thực tiễn.
Công tác tư vấn học đường được nhà trường duy trì tốt
Các CB, GV, NV nhà trường luôn lắng nghe tích cực, phản hồi mang tính xây dựng trong xử lý công việc với đồng nghiệp và học sinh. Đảm bảo đoàn kết nội bộ, không có trường hợp CB, GV, NV hay CMHS bức xúc, căng thẳng dẫn đến đơn thư khiếu kiện. Không có phản hồi tiêu cực từ phía CMHS làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình, ảnh hưởng đến uy tín giáo dục của nhà trường và thầy cô giáo.
Nhờ thực hiện hiệu quả mô hình trường học hạnh phúc mà chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường được nâng cao, nhiều thành tích được cấp trên ghi nhận. Nhà trường được hội đồng thi đua khen thưởng Thành phố công nhận Tập thể lao động xuất sắc. Cô và trò đạt nhiều giải cao các cấp ở tất cả các mặt Văn-Thể-Mĩ. Toàn trường thực hiện tốt kỷ cương hành chính, CMHS đồng thuận, nhiều tấm gương tiêu biểu được tập thể tuyên dương khen thưởng.
Để xây dựng thành công “Trường học hạnh phúc”, trước hết phải xây dựng môi trường hạnh phúc, GV hạnh phúc. Thầy cô hạnh phúc trong công việc của mình từ đó mới lan tỏa hạnh phúc đến HS tạo nên lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc, gia đình hạnh phúc và xã hội hạnh phúc.
Mỗi lời động viên kịp thời của các cấp lãnh đạo, sự tin tưởng của PHHS, những ánh mắt và nụ cười của trẻ thơ… đó chính là động lực to lớn để chúng tôi nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.