Stanislas Dehaene, giáo sư trường College de France đã đưa ra những lí giải khá thuyết phục về cơ chế hoạt động của não bộ khi chúng ta đọc. Theo ông, đọc là một quá trình phức hợp có sự tham gia của rất nhiều vùng khác nhau trong não bộ: khu vực nhận biết âm thanh, khu vực nhận biết hình ảnh, khu vực phụ trách ghi nhớ và giải quyết vấn đề, ra quyết định, khu vực phụ trách việc tạo lập lời nói và hiểu ngữ pháp… Các khu vực này của não tác động qua lại và phối hợp nhịp nhàng với nhau trong quá trình đọc giống như một bản hòa âm, trong đó mỗi vận động của vùng này đều kích thích hoặc làm suy giảm chức năng của vùng kia.
Những phân tích của Stanislas Dehaene giúp cho giáo viên và các phụ huynh có thể hiểu được một cách sâu hơn về giá trị của việc đọc sách đối với sự phát triển não bộ của trẻ. Rõ ràng là, đọc giống như hoạt động thể dục cho bộ não, làm kích hoạt đồng thời rất nhiều chức năng khác nhau của não bộ, giúp cho chúng trở nên dẻo dai và khỏe mạnh. Đồng thời, những phân tích này cũng giúp phụ huynh có thể lí giải một cách cặn kẽ hơn về những trở ngại của trẻ trong khi đọc, đặc biệt là hội chứng khó đọc (dyslexia) ở trẻ.
Xin phép được dịch lại clip “Não bộ của chúng ta vận hành như thế nào trong khi đọc” để mọi người có thể hình dung cụ thể hơn về quá trình này. Tuy trong clip có rất nhiều thuật ngữ khoa học không hề dễ hiểu, song tôi hi vọng mọi người có thể tham khảo. Xin phép được đóng ngoặc kép cho toàn bộ bài dich này để lưu ý với mọi người rằng đây là ý kiến của người khác mà tôi chỉ là người dịch lại để học hỏi.
https://youtu.be/5kB7GgLlR7M
“Đọc là một quá trình phức tạp. Nó kích hoạt nhiều vùng khác nhau trong não bộ, và đòi hỏi các vùng này phải cộng tác, phối hợp với nhau như trong một dàn nhạc để tối ưu hóa năng lực của chúng ta trong việc giải mã văn bản viết.
Thùy thái dương, nằm chếch ở bên dưới phía sau bộ não, là khu vực chịu trách nhiệm phân biệt các âm thanh của lời nói. Việc không nhận thức được những phần nhỏ nhất của lời nói, một âm vị, có thể thay đổi hoàn toàn nghĩa của một từ hoặc một câu. Ví dụ: hai từ FAN (cái quạt) và VAN (xe tải) chỉ phân biệt nhau bởi 2 phụ âm F và V, được phát ra trong chưa đầy 1 giây vào lúc bắt đầu của từ, nhưng việc không nhận thức được 2 âm thanh này sẽ có ảnh hưởng cực lớn đến việc nghe các thông tin và hướng dẫn. Đứa trẻ gặp khó khăn trong việc phân biệt các âm thanh trong các âm tiết cũng sẽ gặp trở ngại trong việc nhận thức các âm vị và giải mã từ ngữ.
Thùy trán, ở phía trước trán, có hai phần bên trái và bên phải, tham gia vào rất nhiều chức năng như vận động, ra quyết định, giải quyết vấn đề, ghi nhớ. Phần bên trái liên quan đến ngôn ngữ và chịu trách nhiệm tạo lập lời nói, đọc trôi chảy, sử dụng ngữ pháp và hiểu ngữ pháp. Đứa trẻ có vấn đề về hiểu ngữ pháp cũng sẽ rất khó khăn trong việc nhận ra các tiền tố, hậu tố và các câu phức tạp.
Hồi góc (angular gyrus) nằm ở trung tâm của não, gần với phần trên và phía sau của thùy thái dương, thực hiện chức năng như một cỗ máy phân tích việc đọc. Đó là một trục bánh xe giúp chuyển những nguyên liệu đầu vào là các hình ảnh thành các âm thanh. Nếu phần này của não không phát triển tốt, đứa trẻ có thể sẽ không liên hệ được giữa các chữ cái S-A-T với từ SAT, thậm chí ngay cả khi nó sử dụng từ đó rất nhiều lần.
Những vùng này trong não bộ không vận hành độc lập, mà đóng vai trò như những bộ phận trong mạng lưới não bộ. Khi bạn làm một vùng nào đó mạnh lên, thì nó sẽ cải thiện toàn bộ mạng lưới. Ngược lại, nếu bạn không sử dụng một khu vực nào đó, nó sẽ làm suy yếu thậm chí làm hỏng những khu vực còn lại, giống như một tòa nhà bị bỏ hoang”.