Các em thân mến!
Nước Việt Nam có sách chép từ thời Trần, với Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu. Sang thời nhà Lê, có Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, thời nhà Nguyễn có bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn và bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú… Tuy nhiên, những bộ sách sử đó được viết bằng chữ Hán, người đọc không thể tiếp cận nếu không có nền tảng Hán học đến độ uyên bác hoặc có trong tay các bản dịch.
Khoảng hơn một thế kỉ trước, trong buổi giao thời “mưa Âu gió Á”, dưới chế độ đô hộ của thực dân Pháp, ở nước ta xuất hiện một tâng lớp trí thức mới, phần lớn uyên thâm Hán học và được đào tạo bài bản về Tây học. Nền tri thức, văn hóa, văn học gắn với chữ quốc ngữ cũng ra đời cùng với ý thức cao về độc lập dân tộc của chính những con người đó. Không kể những sáng tác văn chương bằng chữ quốc ngữ vốn được nhắc đến nhiều, những khảo cứu, tiểu luận, nghiên cứu của tầng lớp trí thức buổi đầu cũng đọng lại nhiều giá trị to lớn, đóng góp đáng kể vào quá trình tự chủ về tri thức, dẫn đến tự chủ về chính trị và xã hội của nước ta về sau.
Năm 1920, học giả Trần Trọng Kim xuất bản cuốn Việt Nam sử lược. Cuốn sách được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt ngay từ khi xuất bản đến nay. Theo đánh giá chung, Việt Nam lược sử là cuốn sách lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, hệ thống lại toàn bộ lịch sử nước Việt (cho đến thời Pháp thuộc) và được đánh giá là một trong những cuốn sách sử Việt Nam có phong cách ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu.
Đồng hành cùng các thế hệ bạn đọc Việt Nam và nước ngoài gần một thế kỉ, Việt Nam lược sử được tái bản nhiều lần tại Sài Gòn trước năm 1975 và cả trên hai miền Nam Bắc của đất nước Việt Nam thống nhất từ năm 1975 đến nay. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về phương pháp biên soạn lịch sử, cách phân kì lịch sử, nội dung cũng như tư tưởng chung của cuốn sách. Sau khi xuất bản lần thứ nhất năm 1920 tại Sài Gòn, Việt Nam lược sử được nhà xuất bản Tân Việt tái bản lần 3 vào tháng 7 năm 1949, lần 4 vào tháng 2 năm 1951 và lần 5 vào tháng 3 năm 1954. Những lần tái bản này được chính học giả Trần Trọng Kim biên tập, chỉnh sửa rất cẩn thận. Trong đó, lần tái bản thứ 5 vào năm 1954 là lần cuối cùng tác giả đọc duyệt, biên tập cuốn sách trước khi về cõi vĩnh hằng.
Cuốn sách là tập hợp 7 quyển:
Quyển 1: Thượng cổ thời đại
Quyển 2: Bắc thuộc thời đại
Quyển 3: Tự chủ thời đại (thời kì thống nhất)
Quyển 4: Tự chủ thời đại – Thời kì phân tranh (1533-1788)
Quyển 5: Cận kim thời đại – Nhà Nguyễn (1802-1945)
Từ trang 581 đến trang 590 là bài viết về tác giả: Trần Trọng Kim – Nhà giáo dục tâm huyết, chính trị gia bất đắc dĩ. Bài viết này giúp thầy cô và các em hiểu rõ hơn cuộc đời và sự nghiệp của tác giả.