Lịch sử nền giáo dục Việt Nam có thể coi là đồng thời với lịch sử khoa cử từ cả ngàn năm trước. Kì thu Minh kinh bác học đầu tiên (khoa Ất Mão, 1075), Lê Văn Thịnh đỗ đầu thì đồng thời cũng trở thành người thầy giáo đầu tiên được lịch sử ghi nhận: ông là thầy dạy của thái tử Càn Đức, về sau lên ngôi là vua Lý Nhân Tông. Do lễ vua tôi ông chỉ được phong chức “thị độc” (hầu học cho vua), nhưng trong thực tế Lê Văn Thịnh đã dạy cho vị vua tương lai tất cả những kiến thức cần thiết cho việc trị nước an dân, từ việc tổ chức triều đình cho đến việc làm ruộng, đắp đê, giao thương buôn bán của dân. Và cũng chính người thầy này đã đề xuất việc lập trường cho vua Nhân Tông học, dẫn đến việc mở trường Quốc Tử Giám, sau được coi là trường đại học đầu tiên của nước ta.
Tập sách kể về những người thầy như thế trong lịch sử Việt Nam. Đó là Chu Văn An, người thầy mà cả nước đều biết tiếng và được nhân dân tôn là “Vạn thế sư biểu” (người thầy chuẩn mực của muôn đời). Đó là Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ và là nhà văn hóa lớn đất Nam Kì, người được nhân dân trìu mến gọi là Đồ Chiểu – cái tên gắn liền với nghề dạy học của ông. Đó là Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, người Nam Định, nghe tin quân Pháp đánh chiếm Sơn Trà (Đà Nẵng), đã không quản tuổi cao bệnh nặng, tự nguyện mộ quân nghĩa dũng xin triều đình cho vào đánh giặc. Còn có họa sĩ Tardieu – Một người Pháp không có đầu óc thực dân đã dành cả nửa cuối cuộc đời mình để xây dựng trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và đào tạo nên những thế hệ họa sĩ tài năng đầu tiên của nước ta, qua đó mà đưa hội họa hiện đại đến với Việt Nam.
Thông qua những người thầy đặc biệt như thế, cuốn sách còn mong kể với các bạn những câu chuyện thú vị và cũng đầy ý nghĩa trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Nhà sử học Lê Văn Hưu, tác giả bộ chính sử đầu tiên của nước ta – bộ Đại Việt sử kí cũng là thầy dạy của thái tử Trần Hoảng – sau lên ngôi là vua Trần Thánh Tông và hoàng tử Trần Quang Khải sau trở thành vị đại thần có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Thầy Lập Trai Phạm Quý Thích cũng là người đầu tiên “thẩm định” tác phẩm Truyện Kiều và cho khắc in thành sách để phổ biến rộng rãi. Cũng thầy Lập Trai là thầy dạy của Vũ Tông Phan và Nguyễn Văn Siêu – hai nhà thơ, nhà văn hóa lớn của Thăng Long đồng thời cũng là hai người thầy nổi tiếng…
Những ví dụ đó có thể coi là tiêu biểu cho sự nghiệp giáo dục của nước ta, được những người thầy tiếp nối từ thời phong kiến, qua thời Pháp thuộc cho đến ngày nay. Họ đã đào tạo nên những hiền tài đứng ra gánh vác công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước và cũng chính họ đã thắp sáng truyền thống văn minh Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bộ sách được chia thành nhiều tập, mỗi tập đều có những người thầy thuộc nhiều thế hệ khác nhau để bạn đọc dễ tiếp cận và tránh cảm giác đây là một bộ sách sử về các nhà giáo được xếp theo thời đại. Các bài dài ngắn khác nhau hoàn toàn tùy thuộc vào cảm hứng của người viết cũng như nguồn tài liệu có được.
Ngoài ra, để giúp bạn đọc tìm hiểu thêm, cuốn sách còn có bài chuyên khảo “Chuyện học hành thi cử ngày xưa” nói về quá trình hình thành, hoạt động và đóng góp của tầng lớp “sĩ dân” trong xã hội, tựa như nền của bức tranh trên đó xuất hiện những người thầy tiêu biểu trong sử Việt.
Với 312 trang khổ 15x21cm kèm bảng tra theo tên cuối chính văn, chắc chắn cuốn sách sẽ mang lại những thông tin bổ ích giúp thầy cô và các em tìm hiểu về những người thầy nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà từ thời phong kiến.
Hẹn gặp lại các em trong buổi giới thiệu sách lần sau!.