Các em học sinh thân mến!
Lì xì là tên gọi của tục lệ ở các nước Á Đông và Việt Nam, đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu sắc rực rỡ để mừng tuổi trẻ em.
Tục lệ lì xì đầu năm mới có từ thời xa xưa. Tương truyền, khi ông Táo về chầu trời, quỷ dữ dưới trần thừa cơ làm loạn. Bọn chúng lẻn vào những nhà có trẻ nhỏ, xoa đầu chúng và gây bệnh tật. Nhiều đứa trẻ còn bị cướp đi.
Để xua đuổi ma quỷ và chúc cho trẻ con khoẻ mạnh, người dân bỏ một đồng tiền gói trong giấy đỏ vào dưới gối của chúng. Quỷ dữ ùa vào nhà thấy đồng tiền sáng chói sẽ sợ hãi mà chạy mất. Ngày nay, tục lì xì trở thành tiền mừng tuổi mà người lớn cho trẻ nhỏ với ý chúc khỏe mạnh, ăn mau chóng lớn.
Hãy cùng tìm hiểu về tiền trong cuộc sống con người qua cuốn sách “Khéo khôn với tiền, tránh những ưu phiền”. Đây là cuốn truyện tranh được các chuyên gia khuyến nghị nên đọc, cần cho mỗi gia đình. Sách cung cấp một cách thú vị các tri thức về tài chính, giúp người đọc tránh được cạm bẫy của tiền bạc.
Các câu chuyện trong cuốn sách xoay quanh gia đình cậu bé Tín Dụng (mẹ là Kim Ngân, bố là Tiết Kiệm), với sự đồng hành của "bác sĩ tài chính" Tiên Huyền.
Những câu hỏi "Tiền là gì? Làm gì để có tiền?" của Tín Dụng được giải đáp ngay từ câu chuyện thứ nhất của chương I khi cậu bé cùng mẹ đến gặp bác sĩ Tiên Huyền.
"Muốn no thì phải chăm làm / Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi. Nói đơn giản, thì tiền là sức lao động. Mẹ cháu đi làm được trả lương bằng tiền. Mẹ cháu càng làm chăm chỉ, càng làm ra của cải vật chất thì càng có thu nhập thêm", bác sĩ giải thích.
Từ khái niệm đến cảm nhận, cậu bé Tín Dụng đã quan sát sự khó nhọc, cần mẫn của bố mẹ, ông bà và dần biết trân trọng các giá trị vật chất xung quanh mà cậu được hưởng dụng.
Ở một câu chuyện khác, cậu bé đã không đòi mua giày mới sau buổi tối chứng kiến mẹ đi làm về khuya với đôi ủng sũng nước giữa trời mưa tầm tã.
Tác giả Thúy Sen dẫn ca dao, tục ngữ đầy hình ảnh giáo dục: "Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần", "Đổ mồ hôi, sôi nước mắt" để kiếm được đồng tiền.
Cuốn sách kể về quá trình trưởng thành của Tín Dụng từ cậu bé cho đến lúc nhận được học bổng đi du học, không chỉ nhận thức được giá trị của đồng tiền mà còn biết chia sẻ với cộng đồng, như các câu chuyện Tín Dụng nhặt rác cùng cô chú lao công trong đêm giao thừa bên bờ Hồ, Hà Nội hay tham gia cuộc thi hiểu biết về tài chính tại đình làng để giúp bà con tránh bẫy "tín dụng đen".
Nhiều kiến thức hiện đại, các thuật ngữ về tiền tệ, tín dụng như tiền kỹ thuật số, tiền ảo, ngoại tệ, lạm phát, giảm phát, lãi suất, tỉ giá, trái phiếu, cổ phiếu, những hành vi sai trái với tiền, cách phân biệt tiền thật - tiền giả, hoạt động của ngân hàng… được dung dị hóa, rất dễ hiểu bởi các câu chuyện đời thường và hình ảnh.
Bạn đọc còn được suy ngẫm qua hàng loạt ca dao, tục ngữ được dẫn trong sách: "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh"; "Thế gian giàu bởi chữ cần / Có mà lười biếng thì thân chẳng còn", "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng", "Cẩn tắc vô áy náy", "Bút sa gà chết"…
Cuốn sách giúp người lớn tuổi tránh gặp rủi ro tài chính; giúp bố mẹ có thêm kiến thức quản trị tài chính, dạy con về tài chính, về giá trị của sức lao động, của đồng tiền.
Trẻ nhỏ được truyền cảm hứng biết quý trọng sức lao động, chăm chỉ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, giàu lòng nhân ái và có tư duy quản lý tài chính cá nhân ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Hãy tìm đọc cuốn sách để trang bị cho mình những kiến thức bổ ích các em nhé!
Hẹn gặp lại các bạn trong buổi giới thiệu sách tháng tới!